Khái niệm “đạo đức trong thiết kế” có lẽ vẫn còn khá xa lạ tại Việt Nam. Có thể hiểu đây là những nguyên tắc đặt ra nhằm hướng dẫn các designer tạo ra sản phẩm mang lại lợi ích cho người dùng, xã hội và tài nguyên thiên nhiên.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các nguyên tắc đạo đức trong thiết kế, đi kèm là các ví dụ điển hình và các gợi ý để hướng tới các thiết kế không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà bao hàm cả giá trị nhân văn.
Nguyên tắc đạo đức trong thiết kế (*) là gì?
Chúng ta thường nghe nói đến đạo đức trong y học, kinh doanh, giáo dục,… với các chuẩn mực và nguyên tắc nhằm bảo vệ quyền con người, tránh việc chạy theo mục đích cá nhân gây tổn hại đến tài nguyên, sự sống hay ảnh hưởng đến chính trị – xã hội,…
Đạo đức trong thiết kế cũng tương tự. Trong thời đại 4.0, các sản phẩm thiết kế trở nên đa dạng và ngày càng phổ biến, từ website, bộ nhận diện thương hiệu, bao bì, các chiến dịch marketing,… Giữa một xã hội không ngừng phát triển, nhiều yếu tố đạo đức bị xem thường, và nhiều vấn đề về xã hội, văn hóa, chính trị lại trở nên nhạy cảm. Trong bối cảnh này, các nguyên tắc của đạo đức trong thiết kế ra đời.
Các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp
Nhiều nguyên tắc thiết kế đạo đức xoay quanh việc tôn trọng nhân quyền, lấy cảm hứng từ Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc . Kim tự tháp “Phân cấp nhu cầu đạo đức” do Aral Balkan và Laura Kalbag tạo ra minh họa cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp và tương quan mỗi lớp tháp chồng lên nhau. Hãy xem xét một số nguyên tắc cơ bản sau!
1. Khả năng sử dụng
Một sản phẩm không thể sử dụng được coi là một thiết kế lỗi. Cụ thể hơn, thiết kế phải giúp người dùng đạt được những gì họ muốn, đáp ứng nhu cầu của họ và thuận lợi khi sử dụng. Năm yếu tố cốt lõi giúp thẩm định khả năng sử dụng:
- Khả năng học tập: sản phẩm này có dễ dàng đối với người dùng lần đầu tiên?
- Hiệu quả: Người dùng có thể thực hiện các tác vụ nhanh chóng như thế nào?
- Khả năng ghi nhớ: Trải nghiệm cho người dùng cũ là gì?
- Lỗi: Người dùng mắc phải bao nhiêu lỗi và mức độ nghiêm trọng của những lỗi này?
- Sự hài lòng: Làm thế nào dễ chịu khi sử dụng thiết kế?
Các nhà thiết kế cũng có nghĩa vụ đạo đức để tạo ra các sản phẩm trực quan và an toàn. Một ví dụ cụ thể: Galaxy Note 7 của Samsung tự phát cháy trong nhiều năm về trước khiến nhà sản xuất buộc thu hồi sản phẩm, cho thấy khả năng sản phẩm không an toàn với khách hàng. Một ví dụ về khả năng sử dụng tốt sẽ cải thiện trải nghiệm của người dùng: ứng dụng Grab cho phép người dùng kết nối với tài xế qua app điện thoại, biết được giá tiền và lộ trình.
2. Khả năng tiếp cận
Khả năng tiếp cận nên được kết hợp trong quá trình phát triển của bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào đang được xây dựng. Sản phẩm luôn được thiết kế cho “khách hàng mục tiêu” nhưng hãy nghĩ đối tượng nào có thể sẽ không tiếp cận được hoặc bị “bỏ rơi”. Thường thì đây là những người khuyết tật. Ví dụ, thiết kế trang web không phải lúc nào cũng được tối ưu hóa cho những người bị suy giảm thị lực mặc dù thực tế có ít nhất 1 tỷ người bị mù hoặc khiếm thị.
Có công nghệ hỗ trợ cho những người bị suy giảm thị lực sử dụng Internet, tuy nhiên, thường có những lỗi thiết kế web ngăn cản khả năng truy cập. Một số vấn đề thường gặp với người dùng khiếm thị bao gồm: các khu vực không thể truy cập qua trình đọc màn hình, hình ảnh không có văn bản thay thế và các liên kết hoặc nút không có mô tả có thể truy cập được. Thiết kế có thể truy cập mang lại lợi ích cho mọi người!
3. Tính riêng tư
Các vấn đề về quyền riêng tư luôn là một chủ đề nóng với thiết kế kỹ thuật số: Google giám sát các nhấp chuột của người dùng, Facebook đọc tin nhắn riêng tư,… Thực hành thiết kế có đạo đức tốt nhất là phát triển các thiết kế chỉ thu thập thông tin cá nhân vì lợi ích tốt nhất của người dùng.
Ví dụ: Signal là một ứng dụng nhắn tin và điện thoại an toàn được thiết kế đặc biệt để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Khi bạn đăng ký, nó không yêu cầu bất kỳ thứ gì ngoài số điện thoại của bạn vì đó là tất cả những gì cần thiết để bắt đầu sử dụng ứng dụng.
4. Minh bạch & thuyết phục
Thực tiễn tốt nhất cho thiết kế có đạo đức là cung cấp tính minh bạch để người dùng có thể đưa ra các lựa chọn sáng suốt.. Ví dụ: trên Amazon, bạn có thể được miễn phí giao hàng nếu dùng thử Amazon Prime. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian dùng thử miễn phí của bạn, Amazon sẽ tự động tính phí bạn cho toàn bộ chi phí thành viên hàng năm trừ khi bạn hủy thủ công và không có bất kỳ cảnh báo hoặc thông báo nào trước khi họ tính phí bạn.
5. Tương tác của người dùng
Thiết kế của bạn sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của khách hàng, cần chú ý để đưa ra các trải nghiệm tích cực.
Thiết kế lấy con người làm trung tâm (HCD), một triết lý do Don Norman phát triển. HCD kêu gọi sự tham gia trải nghiệm của khách hàng mục tiêu để hiểu những vấn đề họ gặp phải và cách sản phẩm của bạn có thể giúp giải quyết những vấn đề đó, điều này cuối cùng giúp ích cho việc sử dụng.
Cách hiệu quả nhất để nghiên cứu sự tham gia của người dùng là tổ chức các nhóm nhỏ thử nghiệm người dùng, nhóm này sẽ cho bạn thấy lỗi nằm ở đâu, sau đó bạn có thể sửa đổi thiết kế và kiểm tra lại. Thiết kế lấy con người làm trung tâm, đôi khi được gọi là tư duy thiết kế , quan tâm đến việc thiết kế sẽ cải thiện trải nghiệm của người dùng tốt hơn.
6. Tiêu điểm
Các nhà thiết kế nên hiểu rằng bất kỳ công cụ hoặc dịch vụ nào họ đang tạo ra cũng trở thành một phần trong cuộc sống của người dùng. Những sản phẩm này nên ở đó khi người dùng cần và tránh xa họ bất cứ khi nào họ không cần.
Ví dụ: Netflix và Youtube làm người dùng tốn thời gian quá mức với chức năng tự động phát video. Tượng tự, Facebook cố ý thiết kế nền tảng để khai thác hành vi của con người bằng cách sử dụng “vòng phản hồi xác thực xã hội” để khiến chúng ta thèm muốn lượt thích hoặccomment, khuyến khích người dùng đăng lại hoặc tiếp tục kiểm tra các thông báo mới.
7. Sự bền vững
Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu và đã đến lúc chúng ta với tư cách là những nhà thiết kế xem xét tác động của công việc đối với môi trường, tài nguyên và khí hậu của thế giới. Một ví dụ tuyệt vời về xu hướng thiết kế đạo đức bao hàm tính bền vững là có thể tái sử dụng.
Thay vì tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chỉ dùng 1 lần, hãy tạo ra những sản phẩm có thể tái chế, giảm lãng phí.
Áp dụng đạo đức nghề nghiệp vào thiết kế của bạn ngay hôm nay
Ngay từ bây giờ, bạn có thể đưa những nguyên tắc này vào quy trình làm việc của mình. Điều này góp phần vào việc kết nối các giá trị hữu ích giữa bạn và xã hội.
Bước đầu khi áp dụng các nguyên tắc đạo đức thiết kế là đặt những câu hỏi để xác định ưu nhược điểm, những rủi ro của sản phẩm. Ví dụ:
- Tuổi thọ của sản phẩm của bạn là bao nhiêu?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu sản phẩm được sản xuất đại trà cho hàng triệu khách hàng?
- Sản phẩm này có ảnh hưởng gì đến kinh tế, xã hội và môi trường?
- Ai được lợi từ sản phẩm thiết kế của bạn? Đối tượng nào không thể tiếp cận (hay bị loại trừ)?
- Những rủi ro khi sản phẩm bị sử dụng sai? Có gây nguy hiểm cho người dùng không?
- Mất bao lâu sản phẩm này có thể phân hủy hoàn toàn? Có ảnh hưởng xấu đến môi trường hay không?
Trả lời những câu hỏi giả định này có thể giúp bạn kiểm soát rủi ro, hiểu được nhu cầu của khách hàng tiềm năng và được điều chỉnh sản phẩm phù hợp. Thay đổi không thể xảy ra trong một sớm một chiều. Nhưng bằng cách thực hiện từng bước nhỏ, bạn có thể đạt được sự thay đổi lớn, lâu dài trong tương lai.
Lời kết
Bên cạnh việc tập trung thiết kế các sản phẩm mới lạ, bắt kịp xu hướng tiêu dùng, bạn hãy ghi nhớ những nguyên tắc thiết kế đạo đức này và áp dụng vào các dự án tương lai của mình. Điều này thể hiện trách nhiệm của bạn với môi trường, xã hội và với chính bản thân.
Bất kể bạn thực hành thiết kế theo đạo đức như thế nào, hãy tin rằng nó sẽ hướng bạn đến những kết quả tốt nhất có thể, người dùng sẽ biết ơn các sản phẩm do chính bạn tạo ra.
(Theo 99designs)
(*) Trong bài viết này, từ “thiết kế” không chỉ gói gọn trong các sản phẩm đồ họa, mà bao hàm nhiều lĩnh vực có liên quan như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy móc, chất liệu bao bì, digital design, mạng xã hội,…