Ngay từ khi mình còn đi học đồ họa, vấn đề ăn cắp ý tưởng đã luôn là mối quan tâm trong suy nghĩ của hầu hết các designers. Nhất là đối với thiết kế logo, vì logo là bộ mặt của thương hiệu, do đó mối quan tâm lo ngại nhất và cũng quan trọng nhất là làm sao để thiết kế ra được một logo thương hiệu mà không bị đánh giá là ăn cắp ý tưởng của một ai đó hay một công ty nào đó? Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng có lẽ là không!
Chỉ với một chút nghiên cứu, bạn có thể thấy ngành thương mại của bạn có hàng ngàn công ty khác cạnh tranh, tất cả những công ty đó cũng đang ra sức thu hút khách hàng về phía họ. Đồng thời, điều hiển nhiên khi nhiều công ty làm chung một chuyên ngành đang cố gắng truyền đạt về sản phẩm của họ thì vô tình những thông điệp mà họ truyền tải đi là giống nhau. Điều này dễ dàng dẫn đến các công ty hướng về cùng một concept và sẽ cho ra nhiều thiết kế tương tự như nhau.
Bạn là một designer nhỏ bé trong một thế giới khổng lồ đó, bạn rất dễ dàng bắt gặp ở đâu đó concept người ta đã làm giống y như cái mà bạn đang muốn làm. Vậy khả năng bạn sẽ “mượn” bao nhiêu phần trăm của thiết kế đó trước khi bạn trở thành “ăn cắp” nó? Design cũng giống như các loại hình nghệ thuật khác, hầu hết các designers đều hoàn thành thiết kế của họ bằng cách tham khảo ý tưởng từ những thiết kế khác. Có thể có nhiều bạn đọc tới đây thì “cái tôi” của mình nổi lên và cho rằng mình hoàn toàn sáng tạo mà không dựa vào bất kỳ một thiết kế nào khác cả. Có thể bạn đúng, nhưng cũng có thể cái mà bạn cho rằng mình sáng tạo đó thì rất rất nhiều designers khác trên thế giới đã từng làm rồi mà do bạn chưa nhìn thấy đó thôi.
Để đảm bảo thiết kế của bạn xuất hiện an toàn trước đám đông, bạn nên tham khảo và làm theo 5 bước sau đây. Điều này sẽ giúp cho thiết kế của bạn trở nên độc đáo mà có thể tránh được trường hợp ăn cắp ý tưởng.
Bước 1: Hãy tự hỏi mình – “Tôi là ai?”
Bước đầu tiên của quá trình thiết kế luôn luôn là nghiên cứu (research), và nó phải là một nghiên cứu chuyên sâu. Bạn nên tự đặt những câu hỏi: Bạn làm nghề gì? Bạn đang hướng tới điều gì? Giá trị của công ty bạn là gì? Đối tượng bạn đang tiếp cận thuộc số tuổi hay tầng lớp nào? và họ có giá trị gì?
Tất cả những câu hỏi này sẽ giúp bạn định hình được thiết kế từ theme cho tới shape, màu sắc, những thứ mà bạn có thể sử dụng, cũng có nghĩa là tất cả những gì bạn sử dụng trong thiết kế bắt buộc phải nói lên được điều gì đó về bạn. Một chút kiến thức bị thiếu về doanh nghiệp sẽ khiến cho thiết kế của bạn thiếu đi tính ứng dụng duy nhất mà nó bắt buộc phải có, lúc này thiết kế sẽ dễ dàng bị dẫn đến tình trạng nhìn giống như những thiết kế khác mà không có sự đặc trưng.
Bước 2: Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh
Bước này cũng vẫn là nghiên cứu, nhưng là nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh của bạn. Những đối thủ nào đang có trên thị trường? Logo của những hãng này trông như thế nào? Ví dụ trong thời đại mua sắm trực tuyến, bạn không thể nào chỉ chú trọng đến những cửa hàng thực tế ở dưới đường phố được. Tất nhiên bạn cũng phải ưu tiên cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở vị trí của bạn, đặc biệt là khi bạn đang thương mại về các dịch vụ địa phương hoặc thương mại sản phẩm. Ngoài ra, việc này cũng giúp bạn có cái nhìn mới về xu hướng toàn cầu.
Ngay cả khi bạn làm một điều hết sức cơ bản như là lên Google và gõ vào một từ khóa mà bạn cho rằng đó là ý tưởng thiết kế của bạn, có thể Google sẽ cho ra hàng ngàn kết quả khác sẽ khiến bạn nhận ra rằng cái ý tưởng đó của bạn thật ra là một thứ cũ xì. Việc ý tưởng của bạn càng phổ biến sẽ khiến cho bạn càng khó để biến nó thành một thiết kế độc đáo, và vô tình khiến thiết kế của bạn bị nhận nhầm thành thiết kế khác.
Bước 3: Xác định chủ đề
Hầu hết các doanh nghiệp đều có những chủ đề mà họ cho rằng khách hàng sẽ dễ nhận biết về họ. Ví dụ như nhiều hãng xe hơi sang trọng chọn cho mình biểu tượng về chủ đề những động vật chạy nhanh, Porsche và Ferrari thậm chí còn sử dụng chung một hình ảnh là con ngựa, rất nhiều đội thể thao chọn logo tròn, hay hầu hết những mạng xã hội đều chọn màu chủ đạo là màu xanh, v.v…
Một khi bạn đã xác định chủ đề, hãy tự hỏi tại sao nó tồn tại? Động vật như mèo hoang dã và ngựa đua là một cái gì đó tượng trưng cho tinh thần, phong cách, tốc độ và sự sang trọng, hoàn hảo cho kiểu dáng đẹp, xe hơi đắt tiền. Thiết kế tròn cho đội thể thao mang tới cho ta cảm giác thống nhất khi làm việc nhóm, sẵn sàng truyền cảm hứng cho đội bóng và người hâm mộ. Còn màu xanh là màu phổ biến nhất trong tất cả các màu sắc, nó thu hút một số lượng lớn người yêu thích, đồng thời mang đến cảm giác thân thiện, cởi mở. Chúng ta không có gì ngạc nhiên khi cả Facebook và Twitter đều chọn màu chủ đạo là xanh.
Chủ đề (themes) thường phát sinh khi những công ty muốn truyền đạt cùng một thông tin đến cùng một nhóm đối tượng, biết rõ những ý nghĩa phía sau của themes sẽ giúp bạn có một con đường đi mới và độc đáo, hãy tránh những chủ đề quá an toàn.
Bước 4: Thể hiện một điều với nhiều cách khác nhau
Nếu bạn tìm thấy một thiết kế hoặc themes phổ biến và thực sự hấp dẫn, có rất nhiều cách bạn có thể làm nó theo cách của riêng bạn. Lúc này bạn cần tìm hiểu một cách cực kỳ chính xác, bạn yêu thích gì từ nó, màu sắc? shape? font chữ? hay đối tượng đang được miêu tả?
Bạn thích một logo con mèo, hay bạn thích một logo mà chỉ thể hiện cách con mèo đó được nhìn như thế nào? Nó có thể tốt hơn khi không có con mèo nhưng vẫn thể hiện được một cách trừu tượng gợi cho ta nhớ đến tư thế nào đó của con mèo. Tham khảo và lấy cảm hứng có nghĩa là sử dụng các yếu tố thật nhỏ từ thiết kế của người khác và tái sử dụng biến nó thành của mình một cách độc đáo và mới mẻ.
Nếu bạn muốn truyền tải thông điệp như đối thủ của bạn, hãy cố gắng nghĩ ra những cách khác nhau để làm như vậy. Một logo hình vuông sẽ giúp công ty của bạn trông mạnh mẽ và đáng tin cậy? Vậy tại sao không thử sử dụng một logo màu đen cũng để thể hiện sự mạnh mẽ? Một thiết kế về bảo vệ môi trường luôn sử dụng màu xanh lá cây để thể hiện? Vậy tại sao bạn không thử chơi với những yếu tố khác lấy từ thiên nhiên như lá hoặc cây cối, đất đai, hãy suy nghĩ cách để kết nối màu sắc của chúng lại một cách tự nhiên như xanh dương hoặc nâu.
Bước 5: Tập trung vào yếu tố độc đáo của thương hiệu
Một điều khá rõ ràng mà bạn phải luôn lặp đi lặp lại trong đầu: để làm cho thiết kế của bạn trở nên độc đáo, bạn phải tập trung vào yếu tố độc đáo nhất của thương hiệu. Có thể công ty của bạn sẽ đi đầu ở một khía cạnh nào đó, cho người dùng một cảm giác về điều gì đó chưa từng được nhìn thấy trước đây. Hãy chắc chắn rằng điều này phải được thể hiện trên thiết kế của bạn.
Để mang bộ mặt độc đáo của bạn lên hàng đầu, quay trở lại với các câu hỏi của bước 1 và suy nghĩ về những câu trả lời đặc biệt quan trọng với bạn, và sẽ cho phép tiếp cận một cách độc đáo đến người dùng của bạn. Một thiết kế có thể được truyền cảm hứng bởi bất cứ điều gì – nền văn hóa hay hình tượng, ký ức cá nhân hoặc giá trị, nguồn gốc của công ty, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, khuôn mặt đích thực của bạn.
Sử dụng một cái gì đó thực sự có ý nghĩa đối với bạn trong các thiết kế, sẽ giúp làm cho công ty của bạn dễ gần và thân thiện. Nó cũng có thể nói lên một câu chuyện tuyệt vời giúp bạn chia sẻ các giá trị của công ty bạn đến khán giả ngay từ đầu.
Ăn cắp ý tưởng có thể là mốt quan tâm nghiêm trọng nếu bạn và thiết kế của bạn không cẩn thận. Sử dụng thiết kế của người khác sẽ làm cho công ty của bạn đi một nước cờ sai ngay từ đầu, nguy cơ bạn bị mất thiết kế sớm hoặc thậm chí có thể phải đối mặt với kiện tụng và scandal nào. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đã nghiên cứu thật kỹ lưỡng, và đừng ngại thể hiện một chút cá tính trong thiết kế của mình.
Nguồn: designcrowd.com
Dịch và biên tập: Thùy Uyên (uyen.vn)
Hay quá chị ơi, lần đầu xem video của chị em đã rất là chăm nhìn cái đẹp :3