Brainstorming Ky Thuat Dong Nao Brainstorming Ky Thuat Dong Nao

Brainstorming – kỹ thuật động não

Ở những bài viết trước mình đã từng nhắc đến câu nói đã từng đạt giải Noel năm 1963 : “Cách tốt nhất để có được một ý tưởng tốt là bạn phải có thật nhiều ý tưởng” (The best way to get a good idea is to get a lot of ideas – Linus Carl Pauling).

Thế nhưng ý tưởng không phải tự dưng mà có, đã có khi nào bạn ngồi hàng giờ trên màn hình máy tính hoặc trên bàn làm việc mà không biết mình phải bắt đầu làm từ đâu hay chưa? Đó không phải là bạn không có tính sáng tạo, hoặc đầu óc bạn không được nhanh nhẹn, chẳng qua là bạn ứng dụng chưa đúng phương pháp đó thôi. Với bài viết này, mình nghĩ có lẽ kỹ thuật động não (Brainstorming) sẽ giúp bạn đánh thức trí tưởng tượng, sức sáng tạo đang ẩn sâu trong tiềm thức của bạn. Chúng ta cùng bắt đầu tìm hiểu nhé!

Vậy Brainstorming là gì?

Brainstorming (hay kỹ thuật động não) là một phương pháp đặc sắc, dùng Mind Map là một công cụ hỗ trợ để phát triển nhiều giải pháp sáng tạo cho một vấn đề. Phương pháp này hoạt động bằng cách nêu ra tất cả các ý tưởng xung quanh một vấn đề, để từ đó rút ra được những giải pháp mình cho là có khả thi nhất.

Để thực hiện brainstorming, bạn phải có một tâm trạng thật thoải mái, khi đó đầu óc bạn mới có thể nghĩ ra được nhiều cái hay ho. Bạn đừng tự gò ép chính mình, hãy để tất cả những ý nghĩ, hình ảnh được tuôn ra một cách phóng khoáng và ngẫu nhiên, càng nhiều càng tốt. Bạn đừng quan tâm ý kiến đó có ngớ ngẩn hay ngu ngốc đến thế nào, biết đâu chính cái mà bạn cho là ngớ ngẩn đó lại giúp bạn có được một ý tưởng cực kỳ sáng tạo và độc đáo mà chưa ai nghĩ tới.

Và bây giờ, mình sẽ giới thiệu đến các bạn 7 kỹ thuật để thực hiện Brainstorming.

1. Khám phá con đường chưa được khai phá (Explore Uncharted Path)

Khi bạn trải nghiệm những điều mới lạ, quan sát những cái mà bạn chưa từng quan sát bao giờ sẽ cho bạn có được cách nhìn khác về sự vật, sự việc đó. Cũng giống như mình đã nói trước đó, hàng ngày bạn đi đi về về trên một con đường cố định, hình ảnh xung quanh con đường đó đã trở nên quá quen thuộc với bạn, đến lúc nào đó bạn đi trên con đường khác, quang cảnh mới lạ hoàn toàn, bạn sẽ dễ dàng kiếm được những điều thú vị mà lâu nay bạn không để ý tới. Đường lạ thì bạn dễ đi lạc, khi bạn đang trong trạng thái không biết đường nào để về nhà, bạn phải tự tìm kiếm để về được, khi đó vô tình bạn lại biết được một đường đi khác nữa.

Trong việc tìm kiếm ý tưởng cũng vậy, bạn cứ đặt mình vào một trường hợp mới mẻ hoàn toàn, suy nghĩ khác đi, dẫn dắt mình đi xa hơn với những gì mình đã từng nghĩ, bạn sẽ tìm được một “con đường” mới lạ có thể dẫn bạn tới mục tiêu một cách tốt hơn.

2. Nhìn vào sự hiển nhiên (Looking at the Obvious)

Trái ngược với kỹ thuật ở trên, với kỹ thuật này, bạn cần phải quan sát kỹ những thứ bạn nhìn thấy hàng ngày. Mình lấy ví dụ, khi bạn nhận được một hộp quà, có bao giờ bạn nhìn kỹ từng chi tiết bên ngoài của nó như là hộp đựng, giấy gói, nơ, màu sắc và chất liệu của giấy gói hay ko?

Ngoài ra, bạn cũng nên quan sát từ cách nhìn của người khác. Bạn thử đặt mình trường hợp của người khác xem nếu là người ta thì sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào. Hoặc bạn có thể nhìn sự vật, sự việc theo một hướng khác, trong quán cafe ở Mỹ, có một nơi không gian rất tuyệt vời. Họ đã lấy ý tưởng là cái thư viện được nhìn theo một chiều hướng khác, khi ta bước vào quán cafe đó, ta sẽ có cảm giác như mình đang đi vào một cái thư viện bị lật ngược vậy.

3. Đặt ra giới hạn và điều kiện, luật lệ (Set Parameters & Constraints)

Khi tìm hiểu ý tưởng cho một sự vật, sự việc nào đó mà liệt kê một cách tràn lan thì đó không phải là cách hữu hiệu, nó sẽ dẫn dắt bạn đi quá xa. Do đó, bạn nên đặt ra giới hạn và điều kiện khi brainstorming. Mình lấy ví dụ, bạn muốn brainstorming về cái máy vi tính, tại sao bạn không chia nhỏ nó ra, đặt giới hạn là chỉ tìm hiểu về kiểu dáng của nó, về chức năng của nó, về cấu hình của nó, v.v… giới hạn ở một mức nào đó lại, hoặc đặt ra điều kiện là nó được sử dụng dành cho giới tuổi nào, sử dụng trong trường hợp nào. Triển khai từng cái ý nhỏ đó sẽ cho bạn có thật nhiều ý tưởng cụ thể, để qua đó tổng hợp lại thành những ý chính cho sản phẩm của mình.

4. Kết hợp các ý tưởng để tạo ra ý tưởng mới (Combine Ideas to make a New One)

Đây là một kỹ thuật rất quan trọng khi tìm kiếm ý tưởng. Ví dụ bạn đang có cây viết và con mèo, hai cái tưởng chừng như không liên quan gì với nhau hết. Vậy bạn có thử kết hợp chúng lại với nhau chưa? Nếu thử kết hợp lại thì chúng ta sẽ được gì nhỉ? Cây viết hình con mèo? Cây viết có thể sáng như mắt mèo trong bóng đêm? Hình ảnh con mèo ngậm cây viết? Cây viết đặt trên lưng con mèo? Màu sắc của cây viết là màu lông con mèo? v.v… Có rất rất nhiều ý tưởng xung quanh con mèo và cây viết. Do đó, khi kết hợp hai hay nhiều thứ khác nhau theo chức năng, cấu tạo, màu sắc, kiểu dáng, bạn sẽ bất ngờ khi có được những ý tưởng nghe thoáng qua thì thấy ngớ ngẩn, nhưng có thể nó sẽ giúp bạn cho ra những sản phẩm độc đáo.

5. “Siêu” đối lập (Extreme Opposites)

Khai thác những ý tưởng mang tính đối nghịch với vấn đề ta muốn tìm hiểu, cũng là một cách để tìm kiếm ý tưởng theo nhiều hướng khác nhau. Ví dụ như tại sao không làm một chiếc máy tính nhỏ gọn có thể bỏ vào túi mà lại phải lắp ráp chiếc máy tính kích thước lớn? Tại sao ko đặt chiếc xuồng chạy được trên cạn mà lại đặt cho nó chạy dưới nước? v.v…

6. “Siêu” phóng đại (Extreme Conditions)

Bên cạnh những ý tưởng mang tính đối nghịch như thế, ta lại triển khai theo hướng phóng đại nó lên, nâng giá trị của nó lên gấp nhiều lần, giống như một quả bong bóng phóng đại lên thì nó là một chiếc khinh khí cầu vậy đó. Ta thử phóng đại những thứ xung quanh ta lên rồi hình dung xem nó thế nào. Một cây viết khổng lồ sẽ như thế nào? Cái xẻng có thể nâng cấp đủ để đào một đường hầm xuyên qua núi đá một cách dễ dàng hay không? v.v… Thật vĩ đại phải không nào? 

7. Liên kết và quan hệ (Associations & Relations)

Với kỹ thuật này, các bạn tạo những liên kết tới chủ đề của mình theo một mối quan hệ nào đó. Các bạn liệt kê suy nghĩ đầu tiên khi nghe nói đến chủ đề của bạn. Mình lấy ví dụ, khi nghe đến con gái, có thể bạn sẽ nghĩ ngay trong đầu là thời trang vì con gái rất đam mê thời trang. Tiếp theo, khi nghe tới thời trang thì bạn lại nghĩ ngay trong đầu là quần áo, rồi từ quần áo bạn lại liên kết tới một cái gì khác nữa. Cứ tiếp diễn như thế, bạn sẽ có được nhiều thứ liên quan với chủ đề để kết hợp tạo nên những ý tưởng mới lạ.

Đây là 7 kỹ thuật rất cần thiết nếu bạn muốn có những bước đột phá trong công việc của mình. Nếu có phát hiện ra ý tưởng mới lạ độc đáo nào, bạn chia sẻ ở đây cho mình biết với nhé!

  1. Cảm ơn vi da dang lai nhung cach để tiep nổi dong suy nghĩ ý tuong cây bụi va con meo dung lam tuyet phẩm .

  2. Thiệt sự là mới biết đến trang của chị Uyên gần đây thôi, nhưng em rất là thích những bài viết cũng như tuts của chị. Mọi thứ đều thú vị và hữu ích.
    Chúc chị Uyên luôn nhiều sức khỏe và niềm vui để sáng tạo thêm nhiều điều mới mỗi ngày nhé.
    ^^

  3. Hi ss, đây là một bài viết rất hữu ích ha, và trong blog ss có rất nhiều bài viết hay ho và thú vị. Em đã bookmarks lại và sẽ share cho một số bạn bè của em đọc. Thanks ss đã chia sẻ. Em hy vọng ss sẽ có nhiều bài viết và tut thú vị hơn nữa. Love yaaaaa! ♥ 😡 ss

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *