Việc nhận biết đâu là loại hình thương hiệu phù hợp với sản phẩm, dịch vụ mà bạn đang cung cấp sẽ giúp chiến dịch truyền thông hiệu quả, thu hút cộng đồng hơn. Dưới đây là 8 kiểu xây dựng thương hiệu bạn cần biết để thực hiện các chiến dịch tiếp thị – truyền thông.
Nào, cùng khám phá nhé!
1. Thương hiệu cá nhân (Personal branding)
Xây dựng thương hiệu cá nhân ở một khía cạnh nào đó thể hiện chính xác tính cách độc đáo của bạn. Thông thường thương hiệu cá nhân dễ dàng được xây dựng trên phương tiện truyền thông xã hội (online) và trong cuộc sống thường ngày (offline) ,Nhận thức của người khác về bạn có thể có tác động lớn đến danh tiếng xã hội và nghề nghiệp của bạn – theo cách tốt hoặc tai hại.
Vậy bạn “làm” thương hiệu cá nhân như thế nào? Bằng cách xây dựng tính cách hay theo đuổi một phong cách sống công khai, đủ thú vị để thu hút những người xung quanh. Hiện nay có rất nhiều nền tảng mà bạn có thể tận dụng để xây dựng thương hiệu cá nhân, như: TikTok, YouTube, Facebook, Instagram,…
Có hai khái niệm phổ biến khi nhắc đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân là: Influencer và KOL (key opinion leader). Influencer là những người tạo nên tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội như YouTube, Facebook, Instagram. Tùy vào lĩnh vực mà họ hoạt động, hoặc mục đích sử dụng mạng xã hội mà sẽ có những mức độ ảnh hưởng rộng hẹp khác nhau.
Còn với KOL, họ được nhiều người theo dõi vì kĩ năng chuyên môn. Do đó, bạn dễ dàng bắt gặp KOL ở trên phương tiện truyền thông. KOL là những người mà báo chí sẽ luôn quan tâm khi muốn thu hút sự chú ý về một số vấn đề ở thời điểm hiện tại.
Ví dụ bạn có thể chia sẻ đam mê của mình về thời trang, đồ họa, mỹ phẩm, thể hình,… lên mạng xã hội và dành thời gian để tương tác với mọi người, nội dung càng hấp dẫn thì lượt tương tác sẽ càng cao, dấu ấn thương hiệu của bạn dễ dàng lan tỏa trên toàn thế giới.
2. Thương hiệu sản phẩm (Product branding)
Thương hiệu sản phẩm là quá trình xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm cụ thể. Cũng giống như thương hiệu cá nhân liên quan đến việc trau dồi vốn từ vựng và khiếu thẩm mỹ cho bản thân, thương hiệu sản phẩm định hình cách thế giới nhìn nhận sản phẩm của bạn thông qua các lựa chọn thẩm mỹ có chủ ý.
Mục tiêu của thương hiệu sản phẩm là kết nối đúng đối tượng sẽ dùng sản phẩm của bạn. Ví dụ, các sản phẩm sữa bò sẽ nhắm đến đối tượng là con trẻ, các bậc phụ huynh, các sản phẩm mỹ phẩm hướng đến người dùng là nữ giới, quan tâm vấn đề chăm sóc da,… Chuẩn bị cho thương hiệu sản phẩm càng chu đáo thì người dùng càng dễ nhận ra thương hiệu của bạn:
Nhìn thấy Brand của bạn trên các banner, tờ rơi trên đường đi, trên mạng xã hội,…
Nghe về thương hiệu của bạn trên các quảng cáo truyền hình, trong các cuộc trò chuyện,…
Thích, theo dõi và đăng ký các kênh truyền thông xã hội khác nhau của bạn…
… Và cuối cùng, mua sản phẩm của bạn.
Vì vậy, làm thế nào bạn có thể nói với thế giới rằng bạn đang cung cấp các sản phẩm cao cấp nhắm vào đúng tệp khách hàng? Thông qua việc xây dựng thương hiệu truyền đạt những giá trị này — như phông chữ, bảng màu, âm thanh, trang web, tài liệu tiếp thị,…
3. Thương hiệu dịch vụ (Service branding)
Không giống như các sản phẩm dễ dàng xây dựng thương hiệu theo những cách hữu hình và dễ nhìn, ngành dịch vụ khó hơn một chút khi xây dựng thương hiệu. Nhưng điều đó không có nghĩa là các thương hiệu không thể làm điều đó một cách hiệu quả.
Thông thường, việc xây dựng thương hiệu dịch vụ ở dạng “tiện ích đi kèm”, chẳng hạn quầy tiếp đón tại các khách sạn, viện thẩm mỹ lớn thường có trà – bánh để khách thưởng thức khi chờ đợi. Hoặc các ngân hàng, công ty bảo hiểm thường tặng lịch, hoa, quà cho khách hàng vào các dịp cuối năm, sinh nhật, lễ tết,…
Thương hiệu dịch vụ cũng có thể xuất hiện dưới hình thức đáp ứng những kỳ vọng cụ thể của khách hàng nhằm giúp công ty trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh của họ. Ví dụ sau khi khách hàng tới trải nghiệm dịch vụ, doanh nghiệp chủ động gọi hỏi thăm kèm lời cảm ơn, nhắc nhở lịch hẹn sẽ tạo được dấu ấn tốt đẹp cho người dùng hơn.
Bằng cách cung cấp những tính năng bổ sung này, bạn đang “dạy” người tiêu dùng liên kết thương hiệu của bạn với một trải nghiệm người dùng nhất định và thúc đẩy họ tiếp tục quay lại để có trải nghiệm đó lần nữa.
4. Thương hiệu bán lẻ (Retail branding)
Khi bạn bước vào một cửa hàng, hình thức bên ngoài của nó mang một dáng vẻ và cảm giác đặc trưng cho thương hiệu đó. Ví dụ: các tiệm thuốc thường đi gam màu chủ đạo là trắng và xanh, hệ thống bán lẻ Thế giới di động dễ nhận thấy với màu vàng – đen kèm logo, tập đoàn Lotte chọn màu đỏ thẫm,… Đó là hoạt động xây dựng thương hiệu bán lẻ.
Các lựa chọn thiết kế có chủ ý như cách bố trí, đèn chiếu sáng, trang trí, nhạc phát, đồ đạc trưng bày và thậm chí cả loại gạch lót sàn đều được lựa chọn cẩn thận để xây dựng trải nghiệm thương hiệu sống động cho người mua sắm khi bước vào cửa hàng.
Xây dựng thương hiệu bán lẻ là việc cần làm đối với bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động tại một địa điểm thực tế. Vì vậy, để giữ chân người mua hàng trực tiếp, các nhà bán lẻ cần thiết lập xây dựng thương hiệu và biến cửa hàng của họ thành những trải nghiệm mà người mua sắm muốn quay lại nhiều lần.
5. Thương hiệu văn hóa và địa lý (Cultural and geographic branding)
Thương hiệu văn hóa và địa lý thực sự là hai loại thương hiệu riêng biệt, nhưng giống nhau. Cả hai đều phổ biến trong ngành du lịch.
Xây dựng thương hiệu theo địa lý là xây dựng thương hiệu cho các thành phố, tiểu bang, khu vực và thậm chí cả quốc gia. Ví dụ “I Love New York” là slogan đại diện cho Thành phố New York, Tháp Eiffel là biểu tượng của Paris, Hồ Gươm của Hà Nội, trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt (Đà Lạt), chợ Bến Thành (Sài Gòn),…
Thương hiệu văn hóa cũng tương tự, nhưng tập trung vào các khía cạnh văn hóa của một vùng hơn là các khía cạnh địa lý. Ví dụ khi nói đến văn hóa đặc trưng của Paris, người ta thường nhắc tới “cà phê vỉa hè” nhiều hơn so với tháp Eiffel, món “phở” hay “bánh mì” của Việt Nam cũng thường là văn hóa ẩm thực đặc trưng được nhiều người nước ngoài ghi nhớ so với Vịnh Hạ Long.
Vậy những loại hình kinh doanh nào có thể được hưởng lợi từ việc xây dựng thương hiệu văn hóa và địa lý? Đó chính là các doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ du lịch, như khách sạn, taxi sân bay, nhà hàng, đặc sản vùng miền,…
6. Thương hiệu doanh nghiệp (Corporate branding)
Nếu một công ty là một con người, thì thương hiệu doanh nghiệp chính là cách họ thể hiện cá tính của mình. Thương hiệu doanh nghiệp, cũng giống như các loại thương hiệu khác, là một loạt các lựa chọn và hành động thiết kế truyền đạt những điểm chính về thương hiệu, như:
- Giá trị
- Sứ mệnh
- Điểm giá
- Độc quyền
- Người tiêu dùng lý tưởng
Thương hiệu công ty vượt ra ngoài thiết kế trang web và quảng cáo. Nó bao gồm cách công ty ứng xử về mặt xã hội và nghề nghiệp, chẳng hạn như tổ chức các buổi từ thiện để cộng đồng thấy được văn hóa sẻ chia, tổ chức sự kiện Year End Party, đào tạo nội bộ,… Thương hiệu doanh nghiệp cũng thường mở rộng đến các nỗ lực tuyển dụng của công ty và văn hóa công ty, điều này cuối cùng định hình cách công chúng nhìn nhận về thương hiệu.
Một ví dụ nổi tiếng về một công ty có thương hiệu doanh nghiệp mạnh mẽ trong và ngoài nước là Google, công ty nổi tiếng cung cấp cho nhân viên mọi thứ họ có thể cần — bữa trưa miễn phí, dịch vụ chăm sóc y tế tại chỗ, xe đưa đón đi làm và một khoản tiền nghỉ phép được trả hậu hĩnh,… Đối với bất kỳ nhân viên tiềm năng nào, ý tưởng làm việc tại Google giống như một cơ hội hơn là một công việc, cơ hội trở thành một phần của một trong những tập đoàn năng động, sáng tạo nhất hành tinh.
7. Thương hiệu trực tuyến (Online branding)
Thương hiệu trực tuyến là việc xây dựng thương hiệu diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội (online). Không giống như các loại thương hiệu cụ thể, như thương hiệu cá nhân hoặc sản phẩm, thương hiệu trực tuyến là một danh mục rộng đề cập đến tất cả các loại thương hiệu diễn ra trên internet. Đó có thể là cách một cá nhân định vị bản thân trên mạng xã hội, một loại quảng cáo trực tuyến, các lựa chọn thiết kế kèm nội dung trong email marketing, trang đích, thiết kế web, trả lời tin nhắn tự động,…
Việc xây dựng thương hiệu trực tuyến hiệu quả thường giống như mở rộng thương hiệu ngoại tuyến (offline) của công ty.
Chìa khóa để làm thương hiệu trực tuyến hiệu quả là đảm bảo chiến dịch phải phù hợp với bộ nhận diện thương hiệu rộng hơn của bạn. Ví dụ: Bạn xây dựng một trang web thương mại điện tử về sản phẩm organic với phong cách nhẹ nhàng, tối giản nhưng sản phẩm lại thiết kế rườm rà, chất liệu bao bì không thân thiện có thể gây khó chịu cho khách hàng khi nhận sản phẩm. Từ đó làm suy yếu nỗ lực của bạn trong việc xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa giữa người dùng và thương hiệu.
8. Thương hiệu ngoại tuyến (Offline branding)
Hàng hóa, các chiến dịch quảng cáo offline, các sản phẩm hỗ trợ (như tờ rơi, banner, bảng hiệu,…) đều có liên quan đến thương hiệu ngoại tuyến. Thương hiệu ngoại tuyến có thể diễn ra độc lập hoặc kết hợp.
Ví dụ: các cửa hàng của McDonald’s cung cấp các sản phẩm Coca-Cola, Pepsi với logo nổi bật đi kèm khuyến mãi hấp dẫn. Trong siêu thị, một số mặt hàng sẽ được xuất hiện nổi bật, rực rỡ hơn các sản phẩm của thương hiệu khác: kem đánh răng A luôn ở kệ đầu, dễ đập vào mắt khách hàng, giá ưu đãi hơn. Đó là chiến dịch tiếp thị ngoại tuyến của thương hiệu phối hợp cùng đơn vị phân phối.
Lời kết
Như bạn có thể thấy, có rất nhiều kiểu thương hiệu khác nhau mà các công ty và các tổ chức sử dụng để cho cả thế giới thấy họ là ai, và hầu hết các công ty sử dụng nhiều hơn một kiểu thương hiệu cho các chiến dịch truyền thông.
Hãy nghĩ về cách bạn có thể thể hiện thương hiệu của mình thông qua hai hoặc nhiều loại thương hiệu. Từ đó lên kế hoạch thực hiện với các thiết kế phù hợp, đánh đúng trọng tâm và xu hướng tiêu dùng. Chúc bạn thành công trong việc định hình và xây dựng thương hiệu.